Top 5 điểm check in khi đến Lũng Cú, Hà Giang
Lũng Cú là cực bắc của Tổ Quốc - nơi ghi dấu bản sắc văn hóa vô cùng đậm nét. Mình thấy nhiều bạn tới đây chỉ checkin mỗi cột cờ nhưng thực ra Lũng Cú còn rất nhiều điểm tuyệt vời khác. Nếu tới đây, các bạn hãy dành thời gian đi thăm thêm nhé.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là cột cờ Quốc gia, nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển. Cột cờ còn là một công trình đánh dấu chủ quyền ở cực Bắc nước ta, được xây dựng lần đầu vào thời Lý Thường Kiệt bằng cây sa mộc đến năm 1887 thì được xây lại dưới thời Pháp thuộc. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng. Truyền thuyết kể rằng: trước kia, rồng thiêng xuống du ngoạn nơi đây. Rồng thiêng nhận thấy rằng nơi đây phong cảnh hùng vĩ song lại bị khô hạn. Vì thế, trước khi bay về trời, rồng thiêng đã để lại hai đôi mắt, chính là hai hồ Mắt Thần. Nơi rồng đậu được gọi là núi Rồng. Trên đỉnh núi Rồng, chúng ta xây dựng cột cờ. Xét cả về vị trí địa lý cũng như lịch sử, nơi đây xứng đáng được gọi là chốn phong thủy đắc địa. Khi đã lên đến đỉnh cột cờ, ngắm nhìn lá cờ đang tung bay trong gió và toàn bộ cảnh Hà Giang bên dưới mỗi người sẽ thấy được lòng tự hào dân tộc
Cột cờ Lũng Cú
Cực Bắc Việt Nam
Đi từ cột cờ Lũng Cú tới cực bắc khoảng 3 km. Nơi đây có đài vọng cảnh nhìn qua cả nước bạn. Đài ở điểm cao nhìn xuống dòng sông Nho Quế, thuộc khu vực Tò Mông (thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú). Đây chính là nơi có cột đá ghi tọa độ của Lũng Cú. Bạn có thể dừng lại check-in tại đây, hoặc “máu” hơn thì xuống thẳng điểm cực Bắc thật sự giữa sông Nho Quế cách đó 1km. Điểm cực Bắc thật của Việt Nam là mỏm đá nhô ra trên bờ sông Nho Quế (điểm phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc là đường trung tuyến giữa dòng sông), thuộc địa giới hành chính thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú, H.Đồng Văn, Hà Giang. Phía bên kia bờ sông là thôn Mê Do thuộc trấn Mộc Ương, H.Phù Ninh, Vân Nam, Trung Quốc. Điểm cực Bắc này cách cột cờ Lũng Cú khoảng 3,3 km theo đường chim bay. Cảm giác đứng ngay nơi địa đầu tổ quốc, ngắm nhìn khung cảnh hoang vu, đồi núi xung quanh rất khó tả.
Đài vọng cảnh cực Bắc
Điểm cực bắc dưới sông Nho Quế
Từ đây có thể nhìn được toàn cảnh biên giới Việt - Trung
Bản Lô Lô Chải
Làng văn hóa Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), chỉ cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1km. Đi dạo trong bản, bạn sẽ được chiêm ngưỡng mộ không gian kiến trúc cổ kính giữa những triền đá tai mèo. Nhà trình tường là kiến trúc được lưu giữ đầy đủ tại thôn Lô Lô Chải. Hiện phần lớn các căn nhà ở đây được sử dụng làm homestay tuy nhiên nét đẹp riêng của nhà trình tường Lô Lô vẫn được giữ gìn. Người Lô Lô còn rất thân thiện. Khi đi đường, người dân đều chào hỏi mình khiến mình có cảm giác thân thiết như người thân trong nhà. Sự quan tâm của họ không phải do tính chất phục vụ du lịch mà do dân nơi đây vốn nổi tiếng thật thà chân chất, hồn hậu. Những bạn thích tìm hiểu về văn hóa chắc chắn sẽ thích những lễ hội truyền thống trong làng như: lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần rừng, cúng tổ tiên,...Ví dụ như lễ cúng tổ tiên. Đây là một nghi lễ cổ truyền quan trọng nhất, lớn nhất và không thể thiếu trong năm của đồng bào Lô Lô đen, thường được tổ chức hàng năm vào ngày 25 tháng 7 (Âm lịch). Vào lễ cúng, thầy cúng sẽ tiến hành nghi lễ hiến tế, rồi đọc bài khấn để mời tổ tiên về dự lễ trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trong dòng họ và cộng đồng. Người Lô Lô mặc những bộ quần áo đẹp nhất trong ngày lễ trọng đại. Sau nghi thức cúng trước bàn thờ tổ tiên, dân làng cùng hòa mình trong những điệu múa, khúc hát của người Lô Lô.
Bản Lô Lô nhìn từ trên cao
Những ngôi nhà trên tường cùng trang phục độc đáo của người Lô Lô
Vẻ đẹp của các cô gái Lô Lô
Chùa Lũng Cú
Chùa nằm cách cột cờ khoảng 2km. Dù đang xây dựng dở song chùa vẫn đón tiếp khách đến tham quan. Chùa nằm trên đỉnh ngọn núi cao, có diện tích rất rộng, với hướng view nhìn thẳng ra cột cờ. Bao xung quanh là quang cảnh rừng núi bát ngát. Phía dưới có những thửa ruộng bậc thang và hồ Mắt Thần. Theo quy hoạch đây sẽ là điểm tâm linh của Lũng Cú, thu hút một lượng lớn khách du lịch. Sau này có thể quy hoạch thành khu du lịch tâm linh. Mong rằng những công trình như vậy sẽ bảo tồn văn hóa của Lũng Cú, không phá bỏ đi cảnh quan và sinh hoạt văn hóa gốc của người dân. Tới đây, bạn có thể làm cuộc trekking lên tận đỉnh chùa, vãn cảnh trong chùa, chụp ảnh toàn cảnh Lũng Cú và cột cờ từ xa. Và đương nhiên là cầu cho gia đình, bản thân những điều tốt nhất.
Nhà bát giác ở chùa Lũng Cú
Cổng trời Lũng Cú
Cổng trời Lũng Cú chắc chắn sẽ là một điểm hoàn toàn mới mẻ với các bạn. Trên con đường đi vào trong Lũng Cú, cách khoảng 1,5 km, các bạn sẽ qua một đỉnh núi cao. Từ đây, bạn có thể nhìn ra toàn bộ khung cảnh núi non phía xa với những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn, bên dưới là những bản làng ẩn sau tán cây rừng. Đó chính là không gian cổng trời. Tuy chỉ được đánh dấu check in trên bản đồ nhưng địa điểm cực kỳ hùng vĩ, nên thơ này xứng đáng là một điểm để ghi dấu trong bản đồ du lịch của bạn thì đến với Lũng Cú. Bạn có thể dừng chân ở đây vào sáng sớm hoặc hoàng hôn để chụp được những bức ảnh đẹp nhất, khi mây trời vờn trên các đỉnh núi, khi ánh nắng đang lấp lóa sau những rặng cây. Cổng trời lại có sự biến đổi theo từng mùa thu. Tháng 9, 10, những thửa ruộng vàng rực. Mùa xuân, những bản làng rực lên màu hoa mận, mơ, đào. Và những ngày mùa hạ, cả không gian xanh bạt ngàn, hiện lên trên một lần trời thăm thẳm.
View từ trên cổng trời Lũng Cú
Một mảnh đất đẹp và có khí thiêng phong thủy như vậy chắc chắn sẽ là nơi để lại cho các bạn nhiều dấu ấn khó quên. Hãy tới đây với checkin mảnh đất này và hưởng không khí linh thiêng này nhé.
📰 Travel blogger Thu Hằng - Đi tới nơi mình thích và làm điều mình yêu.
📞 Liên hệ đặt tour và truyền thông du lịch:
📍Facebook: www.facebook.com/dicungthuhang
📍Youtube & Tiktok: ĐI CÙNG THU HẰNG
📍Blog: thuhangheathy.blogspot.com
📍Phone: (+84) 0915513475
📍Gmail: Thuhangheathy@gmail.com
Nhận xét
Đăng nhận xét