Rừng rêu Phia Oắc - kho báu của Cao Bằng

Vào đợt rét nhất năm 2013, tôi thực hiện chuyến khám phá vùng núi Phia Oắc của Cao Bằng. Mục tiêu ban đầu để săn tuyết nhưng sau cùng, thứ tôi săn được còn đẹp gấp đôi. Đó là rừng rêu muôn hình vạn trạng như một thiên đường.


  1. Cách tới rừng rêu Phia Oắc 

Rừng rêu Phia Oắc nằm dọc đường lên đỉnh Phia Oắc - đỉnh núi cao nhất của Cao Bằng. Nơi đây thuộc vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), cách Hà Nội hơn 350km, cách thành phố Cao Bằng khoảng 60km. 


Xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể đi theo tuyến đường quốc lộ 18 đến đường cao tốc 07, sau đó rẽ trái sang quốc lộ 3, rồi vào quốc lộ 279. Sau đó rẽ vào đường tỉnh lộ 212 tại Hà Triệu và tiếp tục đi thẳng trên đường này khoảng 81km sẽ đến khu vực vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén. Hiện khu vực này đã được định vị trên Google map. Bạn chỉ cần tra “đỉnh Phia Oắc” là ra ngay.


Tới chân núi Phia Oắc, bạn nhớ mặc thêm áo rét, thậm chí áo mưa vì lên đỉnh sẽ khá lạnh và có nhiều mây. Đỉnh ở độ cao gần 2.000m so với mặt biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Hiện, đường đi lên đỉnh núi đã được làm đẹp song xe lên đỉnh vẫn phải là xe khỏe, nên là xe số vì đường rất dốc. Hơn 10km từ chân lên đỉnh núi vòng vèo, cao ngất. Dù đi xe số 1, nhiều lần mình phải dừng lại vì cảm giác không đi được. Nhưng may mắn vì dừng nhiều nên mình phát hiện ra những lối mòn để đi vào trong rừng. Ngay ven đường lên đỉnh, bạn đã thấy các cây phủ rêu. Song bước vào trong rừng, bạn còn thấy ngạc nhiên hơn vì số lượng cây quá nhiều. Bạn sẽ phải trầm trồ trước màu xanh bao la của những vạt rừng già mơ mộng, càng lên cao, sơn kỳ thuỷ tú càng trải ra vút tầm mắt. 

Cột mốc đỉnh Phia Oắc 


  1. Vẻ đẹp của rừng rêu Phia Oắc 

Vẻ đẹp đa dạng, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng

Trên đường lên, tôi bất ngờ vì sự thay đổi cảnh quan từ chân lên đỉnh núi. Những tiểu vùng khí hậu khác nhau từ chân lên đỉnh núi, khiến cho thảm thực vật cũng thay đổi vô cùng đa dạng và phong phú. Dưới còn là khung cảnh rừng nhiệt đới song lên tầm 2 km, tôi đã thấy những mảng rêu lấp ló. Càng lên cao lại càng thấy giống rừng ôn đới. Tôi mải nhìn ngắm đến nỗi không chớp mắt trước sự đa dạng của rừng rêu. Những thân cây cổ thụ rêu phong xuất hiện dày đặc. Thân cành nghều ngào, uốn éo muôn hình vạn trạng, lại thêm lớp rêu vắt vẻo như một khăn choàng xanh thẫm. Có những cây rêu bám kín xen lẫn loài dây leo chằng chịt vô cùng ấn tượng. Những cành cây giơ ra cành gầy guộc phủ đầy rêu như vừa móc dưới đáy đại dương đầy rong rêu lên. Có một nhà báo đã cảm giác rất đúng: cảm giác như mỗi thân cây là một kho tàng, một cuốn lịch biên niên của mấy trăm năm băng giá, nắng nỏ, phong ba bão táp. Tất cả gọt mài vào đó.



Những thân cây bám đầy rêu


Trên mặt đất cũng có thảm rêu êm ái vẫn còn đọng các giọt nước nhỏ li ti với đủ màu sắc: cả rêu xanh, ngả vàng, rồi cam đỏ ánh lên, rực sắc, dày xốp và mộng mơ. Có những thảm rêu dày cả gang tay, trải dài như một chiếc đệm êm ái.


Dù trời đang nắng, thỉnh thoảng vẫn có những màn sương mờ ảo bay qua, ủ cái giá lạnh và sương mù. Khắp nơi đắm chìm trong một màu trắng tinh khiết, trong veo khiến cho cả khu rừng rêu hiện ra thơ mộng giống cảnh tượng trong chốn thần tiên, cổ tích xa xưa nào đó. Vào mùa xuân, rừng rêu Phia Oắc còn được điểm tô bởi vô vàn các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, điển hình như sắc đỏ quyến rũ những đóa hoa đỗ quyên, màu xanh ngọc bích của cẩm tú cầu,...  

Rừng phủ sương khói 


Lên tới đỉnh Phia Oắc, tôi leo lên đài thiên văn. Những thảm rêu bám trên những bức tường, mái nhà... của trạm phát sóng làm nơi đây giống nhà cổ trong một bộ phim ma nào đó. Ở trên đó có bia đá đề tên đỉnh núi và cũng là nơi cao, thoáng nhất để ngắm toàn cảnh. Lũ chó trong đài đông khủng khiếp song con nào cũng hiền lành. Khách vào chúng chả sủa ầm lên như những nơi khác. Từ trên đây, tôi có nhìn thấy nhiều khung cảnh nối tiếp nhau, thoắt cái là bao la hùng vĩ của trời xanh, nắng vàng, thoắt cái cả không gian lại chìm vào màn sương mờ giăng khắp chốn. Dải rừng ken dày, xốp, xen màu vàng đỏ như một bông hoa súp lơ đang chín.

Trạm khí tượng Phia Oắc 


Vẻ đẹp quý giá

Hỏi người dân mới biết rừng có rất nhiều gỗ quý. Trước, lâm tặc hoành hành, chặt phá gỗ không thương tiếc. Từ ngày, Phia Oắc trở thành vườn quốc gia, chính quyền đã quản lí chặt hơn nên bảo vệ được hệ sinh thái nguyên sinh như hiện nay Trong thảm có một số loài cây giá trị bảo tồn cao như: Cây vù hương hay còn gọi là re hương, lát hoa, sến mật, nghiến, dẻ tùng cùng với nhiều cây thuốc quý, quần thể phong lan, đa dạng. Rừng không chỉ có giá trị rất lớn trong công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn gen và giáo dục môi trường, đồng thời nó còn một “lá phổi xanh” để điều hòa khí hậu, hấp thụ cacbon, bảo vệ đất đai, điều tiết nước và hạn chế xói mòn, lũ lụt, sạt lở. Hiện rừng còn có giá trị phát triển du lịch địa phương song vẫn cần quảng bá mạnh hơn nữa.

Các giống cây quý

Khí hậu ở rừng rêu cũng là một tài nguyên quý. Chả mấy nơi có không khí trong lành như nơi này. Người  dân ở đây kể: hõm núi nơi có rừng rêu quanh năm không bao giờ quá lạnh hay quá nóng. Mỗi khi đàn trâu thả bán hoang dã của bà con người Dao bị băng tuyết đỉnh núi hay cái nóng nồng của chân núi hành hạ, đều tự động lên khu biệt thự hoang mà sống. Đó cũng là lý do để từ gần một thế kỷ trước người Pháp đã khai phá và tôn vinh giá trị của Phia Oắc bằng việc xây dựng rất nhiều khu nhà nghỉ dưỡng cuối tuần. Hiện vẫn còn dấu tích các biệt thự Pháp thời xưa, đặc biệt là khu nhà đỏ vẫn còn như nguyên vẹn. Khu nhà phủ trong rêu phong như đang muốn trường tồn cùng vẻ đẹp, sự trong lành của miền đất này.

Biệt thự đỏ ở Phia Oắc 

Rừng rêu Phia Oắc là bức tranh hùng vĩ, thơ mộng, hài hòa, mang đậm nét hoang sơ của rừng núi quanh năm mây phủ. Đồng thời, nơi đây còn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên chờ chúng ta khám phá.


📰 Travel blogger Thu Hằng - Đi tới nơi mình thích và làm điều mình yêu.

📞 Liên hệ đặt tour và truyền thông du lịch:

📍Facebook: www.facebook.com/dicungthuhang

📍Youtube & Tiktok: ĐI CÙNG THU HẰNG

📍Blog: thuhangheathy.blogspot.com

📍Phone: (+84) 0915513475

📍Gmail: Thuhangheathy@gmail.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cung hiking - camping Hà Nội - Hải Dương - Bắc Giang

Đồi cỏ Ba Quáng (Cao Bằng) - những trải nghiệm mới mẻ

Top 5 điểm check in khi đến Lũng Cú, Hà Giang